fbpx

Lan đai châu – nghiên cứu về giá thể, phân bón,tưới nước, ra hoa

 

Lan đai châu – tình hình nghiên cứu tại Việt Nam. 

1. Nghiên cứu về phân bố và nhân giống của lan đai châu.

     Thực hiện đề tài điều tra sự phân bố của các loài hoa lan ở Việt Nam. Các tác giả Chu Thị Ngọc Mỹ và cs. (2009) [20] đã kết luận: Việt Nam được chia thành 6 vùng lan chính: Phía Tây Bắc Bộ; Phía Đông Bắc Bộ và Trung tâm Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ; các tỉnh Trung Bộ; Tây Nguyên; Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Các tác giả này cũng đã thu thập được 1.035 chậu (giò) lan; gồm 50 giống thuộc 17 chi phong lan, địa lan Việt Nam. Một số loại hoa lan có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu tại Gia Lâm – Hà Nội là: lan Đai Châu, Phi Điệp, Quế Lan Hương, Đuôi Cáo, Tam Bảo Sắc, Giáng Hương, Mặc Biên. 

Lan Đai Châu
Hoa lan đai châu

      Cây lan Đai Châu chưa được các tác giả Việt Nam nghiên cứu nhiều. Bước đầu các tác giả đã tập trung nghiên cứu biện pháp nhân giống từ hạt và từ mô trong ống nghiệm. 

     Hạt lan Đai Châu rất khó nảy mầm trong tự nhiên. Do vậy phương pháp nhân giống in vitro là phương pháp tối ưu để duy trì và phát triển loài lan này. Dương Mộng Hùng (2005) [11 ] đã nghiên cứu nhân giống lan Đai Châu bằng phương pháp nuôi cấy trong ống nghiệm, kết quả cho thấy: Thời điểm lấy quả lan Đai Châu là vào tháng 1 -3 năm sau, tốt nhất là vào cuối tháng 1. Môi trường Knudson C bổ sung thêm 0,2mg/l K và 0,5 mg/l BAP cho hệ số nhân thể chồi cao (4,0). Môi trường Knudson C bổ sung thêm 0,2 mg/l K và 0,2 mg/l NAA làm thể chồi nhanh hình thành cây lan Đai Châu con đủ tiêu chuẩn huấn luyện để cho ra vườn ươm. 

https://www.thanhorchid.com/san-pham/lan-dai-chau/

        Tác giả Phạm Thị Kim Hạnh và cs. (2008) [8] đã nghiên cứu nhân nhanh in vitro giống lan Đai Châu (Rhynchostylis gigantea (Lindley) Ridley) trong Bioreactor.

      Cho kết quả về tỉ lệ nảy mầm cũng như tốc độ sinh trưởng của cây con in vitro tốt hơn so với môi trường đặc. Giảm thời gian phát triển mầm (5 tuần) đồng thời kích thích sinh trưởng cây con in vitro. Khi cấy chuyển sang môi trường đặc sau 3 tháng đạt kích thước 5,8 lá; 5,2 rễ; dài lá 6,1 cm; rộng lá 1,35 cm; rễ mập 0,41 cm. Giá thể nuôi cây ngoài vườn ươm là: bọt xỉ than + than củi + tảo Đài Loan. 
      Võ Hà Giang và Ngô Xuân Bình (2010) [7] nghiên cứu nhân giống phong lan Đuôi Chồn (Rhynchotylis retusa (L.) Blume) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Các tác giả đã nghiên cứu môi trường gieo hạt và nhân chồi cho kết quả: Bổ sung BAP 0,3 mg/l và kinetin 0,1 mg/l tỷ lệ hạt nảy mầm cao nhất, đạt 86,67%, bổ sung phối hợp kinetin và BAP cho hiệu quả cao nhất ở nồng độ 0,5mg Kinetin/l + 0,3 mg BAP/l, hệ số nhân chồi đạt 5-6 cụm chồi và 5,7 chồi/cụm.

2. Nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật.

2.1. Nghiên cứu về giá thể dành cho lan đai châu.

     Lan Đai Châu có rễ to, dưới lớp vỏ rễ có rất nhiều tế bào diệp lục giúp cây có thể quang hợp từ rễ. Do vậy, giá thể trồng lan Đai Châu yêu cầu phải thoáng, rễ thoát nước. Theo kinh nghiệm truyền thống, người dân thường ghép trên thân gỗ của các cây đã chết tạo cây giả. Hoặc ghép khoảng 3, 5, 7, 9 ngọn trên 1 khúc gỗ tùy thuộc thân cây có kích thước to, nhỏ khác nhau. Trồng trên gỗ có ưu điểm là rễ cây có khả năng bám vào thân gỗ rất chặt và rễ được thông thoáng. Nhưng nhược điểm là vào mùa hè, rễ cây nhanh bị khô và khi vận chuyển những cục gỗ hay cây gỗ rất nặng nề, bất tiện. 
     Hiện nay, do yêu cầu tính thẩm mỹ ngày càng cao và để thuận tiện cho việc vận chuyển nên cách trồng lan Đai Châu ngày càng đa dạng. Một số nhà vườn trồng trên chậu nhựa, chậu đất nung, chậu than gỗ với một số giá thể có kích thước to, thoát nước tốt, đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển và có giá trị thẩm mỹ cao. 
     Đặng Văn Đông và cs. (2010) [5] đã nghiên cứu ảnh hưởng của một số loại gốc ghép đến sinh trưởng, phát triển của lan Đai Châu cho thấy: trong các loại gỗ ghép cho lan Đai Châu (gỗ nhãn, gỗ vải, gỗ ổi) thì gỗ nhãn cho kết quả sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Sau trồng một năm số lá tăng thêm 1,66 lá, đường kính chùm hoa 7,03 cm. Theo các tác giả thuộc Trung tâm Khoa học và sản xuất Nông – Lâm nghiệp Quảng Ninh (2013) sử dụng giá thể cho lan Đai Châu trên vườn sản xuất thì thân gỗ nhãn là thích hợp nhất cho lan Đai Châu [4].

       Theo Phan Thúc Huân (1989) [10]. Giá thể là môi trường sống của lan, tùy thuộc vào từng loài lan, điều kiện trồng trọt để chọn giá thể phù hợp.

      Giá thể được sử dụng phổ biến nhất trong việc trồng cây lan nói chung gồm xơ dừa, đá bọt, than củi, thân gỗ, gạch non, thân rễ cây dương xỉ, rong biển,… Giá thể trồng lan rất khác so với các loài cây khác, chúng được dùng để cải thiện độ ẩm và tác dụng cơ học hơn là cung cấp dinh dưỡng. Thành phần giá thể là điều kiện quyết định sự phát triển của lan, phương pháp ghép trên thân cây sống và thân cây chết thì giá thể chính là lớp vỏ của thân kí chủ. Nếu trồng chậu thì giá thể phải thật thoáng ở phần đáy để tránh úng. Ở vùng lạnh như Đà Lạt thì thành phần giá thể quá thông thoáng sẽ bất lợi cho sự phát triển của cây vì nhiệt độ lạnh ban đêm làm cho rễ bị tổn thương. 

     Do vậy, giá thể kín sẽ giúp cho rễ cây có điều kiện phát triển. Vụn dương xỉ có tác dụng trong điều kiện này. Xơ dừa là thành phần quan trọng trong giá thể trồng lan.

     

Lan Đai Châu
Lan Đai Châu
Một cây ngọc điểm thái ghép gỗ

      Theo Minh Trí và Xuân Giao (2010) [29]. xơ dừa có đặc điểm là hút nước chậm nhưng giữ ẩm lâu. Có chứa nhiều khoáng chất nuôi dưỡng cây lan. Tuy nhiên khi sử dụng cần xử lý ngâm nước để giảm lượng muối và cần chú ý chế độ tưới, không để bị ngập nước gây thối mục giá thể. 
     Trần Văn Bảo (2001) [2] khẳng định rất nhiều loại vỏ cây có thể dùng làm giá thể trồng lan nhưng nên chọn loại vỏ cây lâu mục để không làm chậu lan bị đọng nước gây thối rễ. Vỏ cây cũng là nơi cư trú của nhiều loài sâu, bệnh, ốc sên. Do vậy cần kiểm tra giá thể thường xuyên để thay chậu, thay giá thể cho cây lan. Dương xỉ là loại giá thể này không bao giờ bị rêu bám, khả năng hút ẩm khá tốt. Tuy nhiên nếu không được phối trộn với các loại giá thể khác thì chậu lan rất dễ bị úng nước, gây thối đầu rễ cây lan (Nguyễn Công Nghiệp, 2000) [21 ]. Rong biển được sử dụng khá phổ biến trong nuôi trồng các loài lan hiện nay ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. 

https://www.thanhorchid.com/san-pham/lan-dai-chau/

     Hoàng Ngọc Thuận (2000) [24] cho rằng: rong biển có ưu điểm giữ ẩm rất tốt, nhẹ, mềm, tiện lợi cho việc vận chuyển với số lượng lớn các chậu lan. Đặc biệt đối với lan công nghiệp như Hồ Điệp (Phalaenopsis), Lan Cát (Cattleya), Vũ Nữ (Oncidium), lan Đai Châu (Rhynchostylis) và một số loài lan con mới ra ngôi. 
     Theo Việt Chương, Nguyễn Việt Thái (2002) [3] và Nguyễn Công Nghiệp (2000) [21 ], có thể sử dụng than hoa, gạch non, rêu, xơ dừa, rễ lục bình, vỏ thông để trồng hoa lan. Đây là những vật liệu dễ kiếm ở điều kiện Việt Nam. Có thể dùng một loại giá thể hoặc phối trộn các loại giá thể trên với nhau để trồng lan tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng loài lan cũng như độ tuổi của lan.

2.2. Các nghiên cứu về phân bón

      Đặng Văn Đông và cs. (2010) [5] đã nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng hoa của lan Đai Châu (Rhynchostylis gigantea (Lindley) Ridley) tại Gia Lâm, Hà Nội kết quả cho thấy: sử dụng phân bón lá Plant Soul 3 (tỷ lệ N:P:K là 20:20:20) cho kết quả tốt nhất đối với lan Đai Châu thể hiện qua các chỉ tiêu động thái ra lá rất mạnh, lá màu xanh đậm, số rễ nhiều, rễ to khỏe. Đặc biệt tỷ lệ cây mang hoa lớn (91,76%).

      Theo các tác giả Trung tâm Khoa học và sản xuất Nông – Lâm nghiệp Quảng Ninh thì phân bón thích hợp cho lan Đai Châu giai đoạn vườn sản xuất là phân bón Atonik 1.8DD, 1ml/l kết hợp với NPK 1g/l cho số lá cao nhất đạt 7,8 lá/cây, chiều dài lá 10cm, chiều rộng lá 2,56cm (Trần Thị Doanh, 2013) [4]. 

      Khi nghiên cứu về phân bón cho lan Đai Châu, tác giả Trần Minh Hiền Trang (2012) [28], cho rằng dung dịch dinh dưỡng đạm động vật cho kết quả tốt nhất ở cả 2 giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng và ra hoa của cây. Trên cơ sở nhập nội, khảo nghiệm và đánh giá các mẫu giống, kết hợp với việc nhân giống. 
      Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai – Viện Di truyền Nông nghiệp đã đề xuất các biện pháp về giá thể, bón phân và kỹ thuật chăm sóc. (Nguyễn Thị Kim Lý, 2009) [19] Các tác giả cho rằng, nên tưới nước phân cho lan vào buổi sáng sớm hay lúc chiều mát, không nên tưới phân vào buổi trưa. Bình thường tưới 1 lần trong 1 tuần, nếu vườn lan râm mát thì khoảng cách dài hơn, 10 – 15 ngày/lần. Ngược lại, vườn lan có nhiều ánh sáng có thể tưới 2 lần/tuần. Sau khi tưới phân nên tăng lượng nước tưới của ngày sau đó để rửa bớt muối còn đọng lại gây ảnh hưởng bất lợi cho lan.

     Theo Nguyễn Xuân Linh (2005) [1 7], lan rất cần bón phân nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao. Vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là phun phân qua lá.

     Nồng độ và liều lượng phun tuỳ thuộc tuổi và thời kỳ phát triển của cây lan. Đối với lan dưới 6 tháng tuổi phun phân N:P:K loại 30:15:10 nồng độ 500 ppm (0,5 g/l) 7 ngày 1 lần. Đối với lan 6-12 tháng, phun phân N:P:K loại 30:15:10 nồng độ 2000 ppm (2g/l) định kỳ 7 ngày/lần. Đối với lan 12-18 tháng phun phân N:P:K loại 10:30:20 nồng độ 3000 ppm (3 g/l) định kỳ 7 ngày/lần. Khi vòi hoa xuất hiện phun phân N:P:K loại 15:20:25 nồng độ 2000 ppm tưới 7-10 ngày 1 lần hoa sẽ mập hơn, bền và màu sắc đặc trưng. Khi hoa gần tàn cây có hiện tượng yếu đi nên cắt ngay cành hoa và tưới phân N:P:K (30:10:10) để nuôi dưỡng cây cho mùa ra hoa sau. 

https://www.thanhorchid.com/san-pham/lan-dai-chau/

     Nguyễn Công Nghiệp (2000) [21 ] đã kết luận: mùa tăng trưởng của phong lan nên dùng phân tổng hợp N:P:K loại 30:10:10, khi chớm nở hoa phải dùng loại phân có nồng độ lân cao để màu sắc hoa đặc trưng như phân N:P:K loại 1 0:20:20 hoặc 6:30:30.

     Trước khi lan bước vào mùa nghỉ dùng loại phân bón có nồng độ kali cao. Để tăng sức chịu đựng như phân N:P:K loại 10:20:30. Cũng theo Nguyễn Công Nghiệp, không nên dùng nồng độ phân bón quá 1 g/lít nước vì sẽ làm cây lan chết hoặc thoái hoá. Phân bón qua lá dưới dạng phun sương là rất hiệu quả. 
      Theo Nguyễn Hạc Thúy (2001) [26], phân bón qua lá gồm phân hóa học (vô cơ), phân hữu cơ (xác bã động, thực vật,…) và phân hữu cơ có nguồn gốc EDTA và các Amino acid thuỷ phân từ các chất hữu cơ giàu protein (phân Fomior). Tác giả đã xác định phân có tỷ lệ đạm cao (30:10:10) phù hợp cho cây con. Những cây đang nảy chồi mới, những cây sau khi cắt hoa. Phân có tỷ lệ lân cao (6:30:30) kích thích ra rễ, hoa, làm cho lá bớt màu xanh, giảm lượng nước ở trong lá, tăng khả năng đề kháng của cây. Phân có tỷ lệ kali cao (10:20:30) giúp cây khỏe, chống hạn, sâu, bệnh tốt. So với cây trồng khác thì cây lan cần lượng kali tương đối nhiều vì mục đích chính của nuôi trồng lan là thưởng thức hoa. Kali giúp hoa có màu sắc đẹp, bền, thường sử dụng phân có tỷ lệ kali vào lúc cây lan có hoa. 

     Việt Chương và Nguyễn Việt Thái (2002) [3] đã xác định tỷ lệ bón phân N:P:K phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của lan như N:P:K loại 30:10:10 thúc đẩy tốt cho việc tăng trưởng, ra lá lan. Loại 10:20:10 bón thúc cho lan ra hoa sẽ cho hiệu quả cao. Loại 10:10:20 thúc đẩy lan ra rễ tốt. Loại 10:20:30 làm tăng sức chịu đựng và sức đề kháng cho lan.

     Theo Phạm Thị Liên (2002) [15] bón phân thường được chú trọng đến 3 nguyên tố chính N, P, K với rất nhiều tỷ lệ tùy thuộc theo mục đích sử dụng, loài lan, thời kỳ sinh trưởng của lan. Ngoài ra còn có thể kết hợp thêm các nguyên tố vi lượng như đồng (Cu), sắt (Fe), kẽm (Zn)…và một số vitamin cần thiết khác. Tuy nhiên, trong cây lan nước chiếm xấp xỉ 90%, chỉ 2% là các nguyên tố khoáng chất nên nếu bón nhiều phân sẽ tạo ức chế sinh trưởng của cây, làm cháy rễ, vì vậy việc bón phân hết sức linh động, phụ thuộc vào thời tiết, vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

2.3. Các nghiên cứu về biện pháp tưới nước dành cho lan đai châu.

     Lan Đai Châu có khả năng chịu hạn tốt hơn chịu úng. Cây có nguồn gốc từ những khu rừng nhiệt đới, thích hợp với những trận mưa rào bất chợt. Do vậy, tưới nước cho lan Đai Châu đảm bảo khi rễ cây khô mới tưới, nếu duy trì độ ẩm cao liên tục nhiều ngày rễ cây sẽ bị thối. Khi tưới cũng cần căn cứ vào tuổi cây, mùa vụ và giá thể trồng để tưới nước cho phù hợp. 

     Đặng Văn Đông và cs. (2010) [5] đã nghiên cứu phương pháp tưới nước cho lan Đai Châu tại Gia Lâm – Hà Nội cho thấy: tưới kết hợp phun sương và tưới bằng vòi hoa sen cho hiệu quả sinh trưởng mạnh nhất và tỷ lệ ra hoa đạt 90%. 

     Theo Nguyễn Xuân Linh (2005) [17], tưới nước cho lan ở giai đoạn cây con phải thận trọng, tưới nhẹ nhàng bằng vòi phun sương, mịn hạt, tưới 3-4 lần/ngày nếu quá khô. Đối với lan trưởng thành thì tùy theo mùa, theo loài lan, thời kỳ sinh trưởng, giá thể trồng mà quyết định số lần tưới cũng như lượng nước tưới cho phù hợp. 
     Theo tác giả Trần Minh Hiền Trang (2012) [28] phương pháp tưới nước cho lan Đai Châu bằng phun sương hạt to là hiệu quả nhất, số rễ đạt 6,17 rễ, chiều dài rễ 27,06cm, số lá 8,15 lá và chiều dài lá là 22,59cm, chiều dài cành hoa là 18,12 cm. 
     Theo Nguyễn Quang Thạch và cs. (2005) [23], cây lan con sau khi trồng 1-2 ngày không cần tưới nước ngay vì chất trồng vừa mới rửa, mới ngâm còn giữ độ ẩm cao. Lan con mới đưa ra khỏi chai ít ngày, lá thường bị héo phải tưới nước nhẹ nhàng bằng vòi phun sương, mịn hạt, thường xuyên tưới nước 3-4 lần mỗi ngày nếu quá khô. Khi rễ lan ló ra mới bắt đầu bón phân và tăng lượng nước tưới. Cây lan trưởng thành nếu tưới nước thiếu, lan sẽ khô héo dần rồi chết. Nhưng tưới nước thừa lại làm cho bộ rễ lan ẩm ướt, thiếu oxy, không hấp thụ được chất dinh dưỡng, bộ rễ thối rồi chết. Việc tưới nước phải đảm bảo hài hòa với nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng. 

      Vì vậy, không có công thức duy nhất nào quy định mỗi ngày tưới mấy lần, mỗi lần tưới bao nhiêu nước cho lan đai châu.

 

Tưới Nước Cho Lan Đai Châu
Tưới nước cho lan đai châu

       Theo các tác giả của Trung tâm Khoa học và sản xuất Nông – Lâm nghiệp Quảng Ninh cho thấy: số lần tưới nước thích hợp cho lan Đai Châu là 2 lần/ngày vào lúc 8 giờ sáng và 4 giờ chiều. Nước tưới có độ pH là 5,5-6,0, hàm lượng vi sinh vật trong nước không vượt quá 5000MPN/100ml và độ đục dưới 5 NTU [4].

2.4. Các nghiên cứu về biện pháp kỹ thuật điều khiển ra hoa.

      Lan Đai Châu còn có tên gọi là “Nghinh Xuân” vì thường nở hoa vào mùa xuân. Vào dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Tuy nhiên, tùy điều kiện thời tiết mỗi năm mà cây ra hoa sớm hoặc muộn. Vấn đề điều khiển ra hoa cho lan Đai Châu cũng chưa được các tác giả Việt Nam đề cập.

     Đề tài đã tham khảo trên một số loài lan khác để ứng dụng nghiên cứu trên lan Đai Châu. Liên quan đến sự chuyển tiếp mô phân sinh dinh dưỡng tạo lá và thân sang mô phân sinh sinh dục tạo hoa. Mô phân sinh hoa tự là vị trí phát sinh cơ quan liên tục với một vùng nhỏ các tế bào gốc đa năng. 

     Các tác giả Trịnh Cẩm Tú và Bùi Trang Việt (2006) [32], đã nghiên cứu sự ra hoa của lan Hoàng Thảo (Dendrobium sp.) trong ống nghiệm thông qua hoạt động của mô phân sinh hoa tự.

     Vai trò của các chất điều hoà sinh trưởng trong sự phát triển của cành hoa Dendrobium Sonia. Các tác giả cho thấy IAA 0,5mg/lít giúp hình thành hệ thống mạch bên dưới mô phân sinh hoa tự, BA 5mg/lít giúp nụ hoa tận cùng chậm héo và GA3 1mg/lít giúp kéo dài lóng của trục cành hoa. Khi nghiên cứu và sử dụng các chất điều hoà sinh trưởng nhằm làm tăng số nụ và chất lượng hoa lan Dendrobium sp. đã cho thấy hỗn hợp IAA 2mg/lít, BA 5mg/lít, GA3 10mg/lít kết hợp với CoCl2 0,25% khi phun trực tiếp lên cành hoa có tác dụng kéo dài đời sống mô phân sinh hoa tự, làm tăng số nụ trên cành hoa. Vũ Ngọc Lan (2011) [14] đã nghiên cứu điều khiển ra hoa cho lan Dendrobium.

      Theo tác giả, lan Dendrobium trồng với giả thể 50% than củi + 50% xơ dừa đến giai đoạn ngừng sinh trưởng thân lá (18 tháng tuổi) thì dừng tưới nước 3-5 ngày và phun bổ sung phân bón Growmore 10:30:10 hoặc 10:10:30 (1-1 ,5 g/lít) 7 ngày/lần để làm tăng tỷ lệ ra hoa, hoa ra tập trung, tăng năng suất, chất lượng hoa. Vụ Đông Xuân, chiếu sáng bổ sung bằng đèn compax cường độ 75 lux trong 4 giờ cho tỷ lệ ra hoa cao hơn và tăng chất lượng hoa. 

      Tuy nhiên phương pháp này áp dụng trong vụ hè thu thì không có hiệu quả tích cực. Phan Văn Trường (2008) [31 ], đã phối hợp với viện Sinh học Nông nghiệp – Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nghiên cứu và đưa ra quy trình điều khiển ra hoa lan Vũ Nữ (Oncidium). Xử lý khi cây ở giai đoạn trưởng thành, có đường kính giả hành >4cm, để sốc khô 10 ngày (không tưới), trong điều kiện ánh sáng 15.000-20.000lux, xử lý chất kìm hãm sinh trưởng (kháng Giberellin) (7g/lít) 1 lần. Sau khi cây xuất hiện mầm hoa, dưỡng hoa bằng phân bón 20:20:20 (7g/lít) 2 lần/tuần. Quy trình xử lý này có thể cho tỷ lệ ra hoa từ 75-80%. Phạm Thị Liên (2010) [1 6] cho rằng phương pháp sốc khô bằng cách ngưng tưới nước 3-5 ngày giúp lan Dendrobium ra hoa tập trung và tăng chất lượng hoa trong cả mùa hè và mùa đông. Lan Hồ Điệp thường có hoa từ tháng 3 đến tháng 5. 

      Theo Nguyễn Quang Thạch và cs. (2003) có thể điều khiển lan Hồ Điệp ra hoa theo ý muốn.

      Sự ra hoa của lan Hồ Điệp không phụ thuộc vào quang chu kỳ nhưng phụ thuộc chặt chẽ vào chế độ nhiệt. Có thể xử lý cây lan ở các độ tuổi khác nhau với biên độ nhiệt độ 24oC ban ngày và 14oC ban đêm cho tỷ lệ cây ra hoa từ 50- 70% sau xử lý từ 1 -3 tháng (phụ thuộc vào tuổi cây và thời vụ xử lý) [22].

https://www.thanhorchid.com/san-pham/lan-dai-chau/

2.5. Các nghiên cứu về sâu, bệnh hại

      Lan Đai Châu thường bị một số sâu, bệnh hại chính như bệnh thối nhũn, đốm đen, thán thư, thối đen, sâu róm, rệp sáp, nhện đỏ, sên và ốc sên. Trong đó, bệnh thối nhũn, đốm đen và sên gây hại khá phổ biến làm giảm số lượng cây và giảm giá trị thẩm mỹ, gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng lan. 

     Theo Việt Chương và cs. (2002) [3], côn trùng hại lan gồm rệp bông, rệp sáp, rệp son, rệp bọc, bọ trĩ, bọ nhảy, sâu bướm, ong vẽ bùa, gián, ốc sên.

     Bệnh hại lan chủ yếu do nấm và vi khuẩn gây nên như đốm lá, thán thư, đốm vòng cánh hoa, đen thân, thối đen ngọn, thối mềm lá và bệnh thối rễ gây hại. 
     Nguyễn Công Nghiệp (2000) [21 ] đã xác định bệnh hại lan chủ yếu là bệnh thối đọt, khô căn hành, thối ngọn, đốm lá…. Có thể dùng một số loại thuốc sát khuẩn có đồng như Oxiclorua đồng, Boóc đô từ 0,5-1,0%, các dẫn xuất có gốc Etylen, hỗn hợp Zinep và Clorua đồng… Ngoài ra, trên cây lan có một số côn trùng gây hại như kiến, ruồi đục lá, hoa, rệp son, bọ trĩ… có thể dùng Bassa, Malathion để phun phòng trừ.
Theo các tác giả Trung tâm Khoa học và sản xuất Nông – Lâm nghiệp Quảng Ninh cho thấy sử dụng chế phẩm sinh học Ketomium có tác dụng phòng trừ bệnh tốt nhất, tỷ lệ cây bị bệnh thối lá thấp nhất (5,6%) (Trần Thị Doanh, 2013) [4]. 

     Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm thích hợp cho sự phát triển của nhiều loại sâu, bệnh gây hại đối với lan.

     Việc phòng và ngăn chặn kịp thời các loại dịch hại là cần thiết. Tuy nhiên, cây hoa lan nói chung và lan Đai Châu nói riêng thường được trồng ngay cạnh nhà hoặc trong khuôn viên nhà, gần gũi với môi trường sống của người dân. Trong khi đó, hiện nay các nhà vườn đang lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu, bệnh hại lan dẫn đến dịch hại nhờn thuốc và độc hại cho người và môi trường sống. Việc thử nghiệm và phổ biến thuốc sinh học trong phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên hoa lan là rất cần thiết.

3. Các tiêu chí của một cây hoa lan Đai Châu đạt tiêu chuẩn

     Có rất nhiều quan điểm và tiêu chí cho một giống hoa lan Đai Châu đạt tiêu chuẩn thương mại trên thị trường, theo tác giả Bùi Xuân Đáng (web: hoalanvietnam.org [36]) thì cây lan Đai Châu (3 năm tuổi) đạt tiêu chuẩn thương mại trên thị trường cần có các tiêu chí sau:
+ Cây khỏe, phát triển đều, rễ dài, to, khỏe.
+ Lá xanh, mọc đều 2 bên, lá sau to hơn lá trước, không bị sâu bệnh.
+ Số lá đạt ít nhất 5 lá.
+ Chiều dài lá 20-35cm.
+ Chiều rộng lá 3,5-5,0cm.
+ Cây có 1 hoặc nhiều cành hoa.
+ Cành hoa dài tương đương với lá, dài trên 18cm.
+ Có trên 25 hoa/cành.
+ Đường kính cành trên 0,5cm.
+ Cánh hoa chồng khít, 2 cánh hoa gần bằng với 3 cánh đài, đường kính hoa 2-3 cm.
+ Hoa tươi, màu sắc đẹp, có hương thơm.

     Khó khăn trong sản xuất hoa lan Đai Châu ở điều kiện miền Bắc Việt Nam là cây sinh trưởng chậm. Mỗi năm chỉ tăng thêm được từ 1 -2 lá. Thời gian từ khi trồng đến khi ra hoa phải mất 3-4 năm, hoa ngắn, chất lượng kém nên không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

     Với mục đích bảo tồn và phát triển rộng rãi lan Đai Châu trong sản xuất. Đề tài nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của cây từ đó đưa ra các biện pháp kỹ thuật tác động từ giai đoạn vườn ươm đến giai đoạn vườn sản xuất nhằm làm tăng khả năng sinh trưởng của cây. Sau trồng 2 năm có khả năng ra hoa, tỷ lệ ra hoa cao, chất lượng hoa tốt, đáp ứng được các tiêu chí của một chậu lan Đai Châu đủ tiêu chuẩn thương mại.

* Nhận xét chung

     Hoa lan Đai Châu là loài hoa có giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế cao. Có tiềm năng phát triển ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đã có một số công trình nghiên cứu về hoa lan Đai Châu. Các nghiên cứu mới tập trung vào các biện pháp nhân giống. Các tác giả đã xác định được vật liệu sử dụng cho nhân giống là từ hạt chưa trưởng thành, hạt đã trưởng thành và từ đỉnh sinh trưởng. Bên cạnh đó các tác giả đã xác định được môi trường nuôi cấy, nhân nhanh và tạo cây hoàn chỉnh. Cây con sau ra ngôi sinh trưởng tốt, có khả năng đáp ứng cho sản xuất.

https://www.thanhorchid.com/san-pham/lan-dai-chau/


Trên thế giới cũng đã có một số nghiên cứu về đặc điểm nông sinh học và biện pháp kỹ thuật trên lan Đai Châu như nghiên cứu về nhiệt độ, ánh sáng, phun GA3 nhằm tăng khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Song các nghiên cứu về giải phẫu, tương quan sinh trưởng giữa cơ quan sinh dưỡng và hoa vẫn chưa được đề cập. Đặc biệt là ở Việt Nam có rất ít các nghiên cứu về hoa lan Đai Châu, người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống để trồng và chăm sóc nên cây sinh trưởng chậm, lâu ra hoa và chất lượng hoa kém. 

     Để cây lan Đai Châu phát triển rộng rãi trong sản xuất cần có những nghiên cứu về đặc điểm nông sinh học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, điều khiển ra hoa nhằm bổ sung hoàn thiện quy trình phục vụ nhu cầu sản xuất. Tăng thu nhập cho người trồng lan và hướng tới xuất khẩu trong tương lai. Các kết quả nghiên cứu trước đây sẽ là cơ sở để đề tài tham khảo và kế thừa, từ đó đề ra các nghiên cứu tiếp theo một cách toàn diện và hiệu quả.


ĐINH THỊ DINH

 

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NÔNG SINH HỌC VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC HOA LAN ĐAI CHÂU (RHYNCHOSTYLIS GIGANTEA (LINDLEY) RIDLEY) Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

avav