Đề tài: Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống lan Đai Châu, tại Gia Lâm – Hà Nội.
Thí nghiệm gồm 4 giống:
CT1: Đai Châu Đỏ
CT2: Đai Châu Đốm Đỏ
CT3: Đai Châu Trắng
CT4: Đai Châu Trắng Đốm Tím
– Cây lan đai châu nuôi cấy mô, đủ tiêu chuẩn ra ngôi, được trồng trên vườn ươm.
Sau ra ngôi 1 năm, cây được thay chậu và chuyển sang vườn sản xuất.
– Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp tuần tự không nhắc lại. Giai đoạn vườn ươm mỗi giống 2m2 (tương ứng 100 cây). Giai đoạn vườn sản xuất mỗi giống 3m2 (tương ứng với 54 cây). Cố định cây theo dõi theo phương pháp 5 điểm chéo góc, 30 cây/giống, định kỳ theo dõi 30 ngày/lần.
– Thời gian thực hiện: Tháng 1/2010 – tháng 2/2013, tại Viện Nghiên cứu Rau quả
1. Tỷ lệ cây lan đai châu sống và thời gian hồi xanh sau ra ngôi
Tỷ lệ cây sống và thời gian hồi xanh sau trồng là một trong những chỉ tiêu quan trọng đối với cây hoa lan Đai Châu. Thể hiện khả năng thích ứng của các giống với điều kiện ngoại cảnh của vùng. Thời gian hồi xanh được tính từ khi trồng đến khi rễ đầu tiên nhú ra.
Kết quả cho thấy, thời gian hồi xanh của các giống từ 12-15 ngày. Trong đó giống lan Đai Châu Trắng Đốm Tím, có thời gian hồi xanh nhanh nhất và giống lan Đai Châu Đỏ có thời gian hồi xanh dài nhất. Tỷ lệ cây sống sau trồng ở các giống tương đối cao (90-95%) trong đó giống bản địa có tỷ lệ sống cao nhất, đạt 95%.
2. Đặc điểm sinh trưởng lá của các giống lan Đai Châu
Khả năng sinh trưởng biểu hiện bằng động thái ra lá và kích thước lá. Số lá trên cây ở các giống biến động qua các năm như sau: sau 1 năm số lá đạt từ 2 đến 4 lá, sau 2 năm đạt từ 4-5 lá, sau 3 năm đạt từ 5-6 lá.
Bảng 2. Động thái tăng trưởng lá của các giống lan Đai Châu.
(Năm 2010-2012, tại Gia Lâm – Hà Nội)
Tốc độ tăng trưởng số lá nhanh ở giống bản địa Trắng Đốm Tím. Sau 3 năm số lá cao nhất là giống Trắng Đốm Tím đạt 6,0 lá, thấp nhất là Đai Châu Đốm Đỏ đạt 5,1 lá.
Kích thước lá ở các giống cũng có sự khác biệt. Giống lan Đai Châu Trắng có chiều dài lá ngắn nhất đạt 20,3cm nhưng chiều ngang lá lại có kích thước khá lớn đạt 4,4cm. Giống Trắng Đốm Tím có kích thước lá lớn nhất, chiều dài lá đạt (24,5cm) chiều rộng lá (4,5cm).
Nhìn chung, tốc độ sinh trưởng số lá và kích thước lá ở giống bản địa Trắng Đốm Tím nhanh hơn các giống Đai Châu nhập nội.
3. Đặc điểm sinh trưởng thân cây của các giống lan Đai Châu
Chiều cao thân, đường kính thân ở các giống sau trồng một năm ít có sự khác biệt. Chiều cao thân đạt từ 2-2,5cm, đường kính thân đạt từ 0,54- 0,78cm. Tuy nhiên các chỉ tiêu này có sự khác biệt giữa các giống sau trồng 2 năm, 3 năm.
Sau trồng 3 năm, chiều cao thân cây của các giống đạt từ 6,2-8,8cm. Giống bản địa Trắng Đốm Tím đạt 8,8cm trong khi các giống lan Đai Châu nhập nội chỉ đạt 6,0-6,3cm. Đường kính thân của giống Trắng Đốm Tím, cũng đạt giá trị cao 1,39cm, trong khi các giống khác chỉ đạt 1,18-1,23cm.
4. Đặc điểm sinh trưởng rễ của các giống lan Đai Châu
Tốc độ tăng trưởng rễ của các giống được thể hiện ở số rễ, chiều dài rễ, đường kính rễ biến động qua các năm. Kết quả được thể hiện qua bảng 4. Số rễ của các giống sau trồng 1 năm đạt 3-3,2 rễ. Sau trồng 2 năm đạt 4,1 -4,6 rễ, sau trồng 3 năm đạt 4,8-5,1 rễ. Số rễ giữa các giống trong cùng, một năm không có sự khác biệt lớn.
Đường kính rễ giữa các giống trong cùng một năm cũng không có sự khác biệt. Đường kính rễ sau trồng một năm đạt từ 0,24-0,32cm, sau trồng 2 năm đạt từ 0,55 -0,67cm, sau trồng 3 năm đạt từ 0,76-0,88cm.
5. Mức độ gây hại của sâu, bệnh chính trên các giống
Mức độ gây hại của một số sâu, bệnh hại chính cũng là một chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá đặc điểm giống. Giống có khả năng chống chịu sâu, bệnh tốt thì sẽ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, năng suất cao, chất lượng tốt.
Vì vậy, chúng tôi theo dõi một số loại sâu, bệnh chính có tính chất nguy hiểm đối với hoa lan Đai Châu, kết quả được thể hiện ở bảng 5:
Trong các giống lan Đai Châu theo dõi thì giống Trắng Đốm Tím có mức độ gây hại của một số sâu, bệnh hại chính ở mức nhẹ, sâu xuất hiện rất rải rác và tỷ lệ lá bị bệnh thấp dưới 5% (Cấp 3).
6. Chất lượng và thời gian phát triển hoa của các giống lan Đai Châu
Chất lượng hoa là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả sản xuất của từng giống. Kết quả được trình bày ở bảng 6:
Cây lan Đai Châu sau trồng 3 năm bắt đầu cho hoa. Số chùm hoa đều đạt 1 chùm và đồng nhất trên các giống. Tỷ lệ ra hoa cao nhất ở giống Trắng Đốm Tím (51%), tiếp đến là giống Đai Châu Đốm Đỏ (48%), giống Đai Châu Đỏ (45%) và thấp nhất là giống Trắng, số cây ra hoa chỉ đạt (40%).
Chất lượng hoa giữa các giống có sự khác nhau. Số hoa trên cành của các giống đạt từ 21,5-26,3 hoa/cành. Số hoa đạt cao nhất ở giống Trắng Đốm Tím. Các giống còn lại đạt từ 21,5-24,3 hoa và thấp nhất là giống Đai Châu Đỏ.
Chiều dài cành hoa cũng là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng hoa lan Đai Châu.
Chiều dài cành hoa của giống Trắng Đốm Tím cao hơn so với các giống còn lại đạt 16,8cm. Các giống nhập nội đạt từ 12,6-14,2cm, ngắn nhất là giống lan Đai Châu Trắng. Đường kính cành hoa giữa các giống đạt từ 0,45-0,59cm. Lớn nhất ở giống Trắng Đốm Tím. Tiếp đến là giống Đai Châu trắng, thấp nhất là Đai Châu Đốm Đỏ.
Đường kính hoa giữa các giống không có sự khác biệt đều đạt giá trị 2,3cm. Độ bền hoa tự nhiên của các giống biến động từ 19-24 ngày. Giống có độ bền hoa dài nhất là Trắng Đốm Tím, các giống còn lại độ bền hoa đạt từ 19-22 ngày. Hoa của các giống đều có màu sắc đẹp, hương thơm. Riêng giống Trắng Đốm Tím, hoa có mùi thơm ngát, các giống khác có mùi thơm nhẹ.
Giữa các giống có thời gian xuất hiện ngồng hoa khác nhau.
Thời gian phát triển ngồng hoa (từ khi xuất hiện ngồng hoa đến khi bông hoa đầu tiên nở) của các giống biến động từ 53-56 ngày. Ngắn nhất là giống Đai Châu Đốm Đỏ, dài nhất là giống Trắng Đốm Tím.