fbpx

Đặc điểm hình thái và giải phẫu của một số giống lan Đai Châu

Hoa Lan Dai Chau 2

Đề tài: Nghiên cứu đặc điểm hình thái và giải phẫu của một số giống lan Đai Châu

Hoa Lan Dai Chau

 

Trích luận án tiến sĩ Nông nghiệp – Đinh Thị Dinh
Tìm luận án tại: thư viện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Phương pháp nghiên cứu:
Mô tả hình thái và giải phẫu rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt, thực hiện trên 4 giống:
CT1: Đai Châu Đỏ
CT2: Đai Châu Đốm Đỏ
CT3: Đai Châu Trắng
CT4: Đai Châu Trắng Đốm Tím
– Đo đếm, lấy mẫu trên cây 3,5 năm tuổi đã ra hoa trên diện tích là 3m
2/giống (tương ứng với 50 cây), được trồng tại Viện Nghiên cứu Rau quả, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.
– Nghiên cứu đặc điểm hình thái của rễ, thân, lá, hoa và quả bằng cách quan sát, mô tả và đo đếm một số chỉ tiêu về rễ, thân, lá, hoa và quả ngẫu nhiên trên 10 cây/giống.
– Nghiên cứu đặc điểm giải phẫu của rễ, thân, lá bằng phương pháp làm tiêu bản giải phẫu được thực hiện theo các bước như sau: xử lý mẫu, cắt tiêu bản, tẩy mẫu, nhuộm kép, quan sát, chụp ảnh trên kính hiển vi và phân tích giải phẫu theo tài liệu của (Trần Công Khánh, 1981) [13].


+ Phương pháp giải phẫu rễ, thân, lá. Trên mỗi giống lấy 5 mẫu khi cây ở giai đoạn hoa đã tàn (mẫu rễ lấy ở phần chóp rễ đã thành thục. Mẫu thân lấy phần thân phía trên, cách ngọn ≥ 1cm. Mẫu lá là phần lá dài 5cm lấy ở giữa của lá đã thành thục, bao gồm đầy đủ cả phần phiến lá, gân lá và mép lá).
   Ngâm mẫu xử lý trong dung dịch cồn 70o trong 1 tuần. Sau đó, dùng dao cắt mẫu thành các lát cắt mỏng rồi tiếp tục ngâm các lát cắt này trong dung dịch cồn 70o thời gian 1 -2 ngày. Nhuộm mẫu bằng cách: Nhuộm đỏ với cacmin phèn 3% trong vòng 24 giờ; nhuộm xanh bằng xanh methylen 0,01% (trong 20 phút); giữ mẫu trong glyxerin.
Làm tiêu bản giọt ép (20 tiêu bản/giống). Quan sát dưới kính hiển vi có gắn trắc vi thị kính, đếm số bó mạch, tỉ lệ bó lớn, bó nhỏ và đo kích thước bó (Đo đếm các chỉ tiêu trên kính hiển vi có gắn sẵn trắc vi thị kính; dùng trắc vi vật kính quy đổi các chỉ tiêu ra các đơn vị tính). Bó dẫn nhỏ được quy ước là có kích thước rộng <7 vạch ở vật kính ×4.
+ Đo đếm số lượng khí khổng trên lá (30 tiêu bản/giống): Chọn những lá có độ tuổi trưởng thành, lấy mẫu ở các vị trí (gốc lá, giữa lá và phiến lá) dùng kim mũi mác hoặc lưỡi lam loại bỏ phần biểu bì, làm một khuôn sẵn có diện tích 1mm
2 (đã có sẵn trong mắt kính hiển vi), đưa mẫu lên lam kính, quan sát, đếm số lượng và đo kích thước khí khổng trong khuôn.
Thời gian thực hiện: 2011, tại Viện Nghiên cứu Rau quả và Bộ môn Thực vật, Khoa Nông học, Học viện Nông Nghiệp
Kết quả nghiên cứu:

1. Đặc điểm hình thái, giải phẫu rễ lan đai châu.

– Đặc điểm hình thái rễ lan đai châu.
Khi nghiên cứu so sánh đặc điểm hình thái của 4 giống lan Đai Châu chúng tôi thu được các dẫn liệu ở bảng 1.

     Qua bảng 1 chúng tôi thấy: Rễ của các giống lan Đai Châu có đặc điểm chung là hình trụ, có màu xám trắng. Trên bề mặt rễ của cả 4 giống đều có lớp nhung rất dày, lớp này có nhiệm vụ thấm nước và dinh dưỡng khoáng vận chuyển vào trung trụ và vận chuyển lên các cơ quan thân, lá.

     Chóp rễ có màu xanh, biểu hiện cây đang sinh trưởng, phần rễ này có khả năng quang hợp và làm cho rễ dài ra. Màu sắc chóp rễ của các giống có xu hướng theo màu sắc hoa, trong đó chóp rễ của giống hoa màu đỏ và đốm đỏ đều có màu đỏ tía, giống hoa màu trắng có màu xanh hơi vàng, còn chóp rễ giống hoa màu trắng đốm tím có màu xanh đây là cơ sở để nhận biết các giống khi cây chưa có hoa.

Lan Đai Châu

Ghi chú: Các số liệu trong bảng được thể hiện bằng giá trị trung bình + Độ lệch chuẩn
Số rễ cấp 1 lớn nhất ở giống Trắng Đốm Tím (5,4 rễ) và nhỏ nhất ở giống Đỏ (4,3 rễ). Số rễ cấp 2 nhiều hơn rễ cấp 1 và dao động từ 5,1 -6,2 rễ trong đó giống Trắng Đốm Tím là nhiều nhất và giống Trắng là thấp nhất. Chiều dài rễ của các giống dao động từ 27,47-30,30cm trong đó dài nhất là giống Trắng Đốm Tím và ngắn nhất là giống Trắng. Giống Trắng Đốm Tím cũng có đường kính rễ lớn nhất (0,93cm) và nhỏ nhất là giống Đốm Đỏ (0,89cm).
Như vậy, các giống lan Đai Châu trong nghiên cứu đều có đặc điểm hình thái rễ đặc trưng của mỗi giống, trong đó giống Trắng Đốm Tím có đặc điểm hình thái rễ thuận lợi cho sinh trưởng của cây như rễ to, dài nhất trong 4 giống.
– Đặc điểm giải phẫu rễ
Khi nghiên cứu về cấu tạo giải phẫu rễ của 4 giống lan Đai Châu chúng tôi thu được kết quả ở hình 2. Qua hình 2 chúng tôi thấy: Cấu tạo rễ lan Đai Châu bao gồm vỏ (hay biều bì ngoài), nhu mô vỏ, trung trụ, trong trung trụ có các bó mạch. Vỏ Nhu mô vỏ Trung trụ Mạch gỗ.


Rễ Lan Đai Châu


(Độ phóng đại 400 lần)

     Mặt cắt ngang của rễ cho thấy lớp vỏ rễ bao gồm lớp biểu bì đơn bên ngoài có các tế bào lớn, dày, được sắp xếp theo dạng vách xuyên tâm, theo sau là một lớp tế bào hình đa giác, mà mặt cắt ngang là hình elip hoặc hình chữ nhật. Lớp tế bào này có tác dụng cho nước thấm qua dễ dàng và ngược lại tránh sự mất nước từ rễ. Lớp vỏ rễ còn có tác dụng phản chiếu ánh sáng và có thể gắn chặt vào các bề mặt của vỏ cây khác, đặc trưng của thực vật sống phụ sinh.
Dưới lớp vỏ (biểu bì) là nhu mô vỏ gồm nhiều lớp, có chất lục lạp và các tế bào ống. Nó được hình thành bởi các tế bào hình tròn, có kích thước khác nhau có vách mỏng.
Tế bào lục lạp ở rễ có thể quang hợp và đây là đặc trưng của rễ phong lan. Lớp nhu mô vỏ có tác dụng dự trữ nước và dinh dưỡng cho cây và có thể thay đổi hình dạng khi leo bám (hình trụ chuyển thành hình bán cầu) rất đặc trưng cho thực vật phụ sinh. Tiếp đến là lớp tế bào nội bì bao bọc xung quanh trung trụ rễ, trong trụ rễ có nhiều bó dẫn vận chuyển nước và các sản phẩm quang hợp.
Ngoài nghiên cứu về cấu tạo giải phẫu chúng tôi còn đo kích thước lớp vỏ, kích thước trung trụ, số bó dẫn, kích thước bó dẫn của rễ lan đai châu. Kết quả được thể hiện ở bảng 3
Kích thước vỏ của các giống dao động trong khoảng từ 1323,75µm đến 1580,0µm; trong đó giống Trắng có kích thước vỏ lớn nhất và giống Đốm Đỏ có kích thước vỏ là nhỏ nhất.
Kích thước trung trụ của các giống dao động trong khoảng từ 958,75µm đến 1232,50µm; trong đó giống Trắng Đốm Tím là lớn nhất và giống Đốm Đỏ là nhỏ nhất.
Số lượng bó dẫn của các giống là rất lớn (>26 bó); trong đó giống đai châu Trắng Đốm Tím là nhiều nhất (27,05 bó) và giống Đốm Đỏ là ít nhất (26,35 bó). Kích thước bó dẫn: Độ dày bó dẫn của các giống tương đối đồng đều nhau, dao động từ 193,5µm đến 202,5µm. Lớn nhất là ở giống đai châu Trắng Đốm Tím (202,5µm) và nhỏ nhất là ở giống đỏ (193,5µm). Độ rộng bó dẫn của các giống có sự biến động khá lớn, lớn nhất ở giống Trắng Đốm Tím đạt 80,5µm và nhỏ nhất là giống Đỏ đạt 48,5µm.

Rễ Hoa Lan Đai Châu

     
     Như vậy, qua đánh giá về đặc điểm hình thái và giải phẫu rễ lan Đai Châu rất đặc trưng cho cây 1 lá mầm, thích nghi với điều kiện sống phụ sinh. Trong đó đặc điểm rễ của giống Trắng Đốm Tím có nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây như rễ to, nhu mô dày, khả năng hút nước và dự trữ nước tốt, khả năng chịu hạn cao.

2. Đặc điểm hình thái, giải phẫu thân lan đai châu.

– Đặc điểm hình thái thân
Bảng 4 là kết quả nghiên cứu về kích thước và màu sắc thân của 4 giống lan Đai Châu. Kết quả cho thấy: Thân của các giống lan Đai Châu theo dõi đều thuộc loại đơn thân, trên thân của chúng có khả năng mang được rất nhiều lá. Vì vậy, cây càng lâu năm thì càng có nhiều cặp lá, khả năng ra hoa càng cao vì ngồng hoa mọc ra từ các nách lá, do đó trên một cây có thể có nhiều ngồng hoa, làm tăng giá trị của cây. Màu sắc thân của các giống cũng có xu hướng theo màu sắc của hoa, tuy nhiên biểu hiện không được rõ như ở màu sắc chóp rễ. Giống hoa màu đỏ thân có màu xanh tía đỏ, các giống còn lại đều có màu xanh. Chiều cao thân của giống Đỏ là cao nhất (8,98cm) và thấp nhất là giống Trắng (6,62cm). Đường kính thân lớn nhất ở giống Trắng Đốm Tím (1,38cm) và nhỏ nhất ở giống Đỏ (1,17cm).


Capture4 10


Ghi chú: Các số liệu trong bảng được thể hiện bằng giá trị trung bình + Độ
lệch chuẩn
– Đặc điểm giải phẫu thân
Các kết quả nghiên cứu về đặc điểm giải phẫu thân của 4 giống lan Đai
Châu được nêu lên ở hình 5 và bảng 6.
 
Capture5 11
Hình 5. Cấu tạo giải phẫu thân của giống Trắng Đốm Tím
(Độ phóng đại 400 lần)
      Quan sát trên hình 5, chúng tôi nhận thấy: theo mặt cắt ngang của thân cây, ngoài cùng là một lớp biểu bì đơn, tiếp theo là hai hàng tế bào có thành mỏng tạo thành một lớp vỏ biểu bì có nhiều lớp của thân. Dưới các lớp biểu bì này, có các hàng tế bào có vách mỏng hình thành là nhu mô vỏ với các không gian không khí trong các tế bào, có tác dụng dự trữ dinh dưỡng, dẫn khí và làm giảm trọng lượng của thân cây, thể hiện tính thích nghi của sinh vật phụ sinh. Phần trung trụ có nhiều bó dẫn sắp xếp lộn xộn giữa các lớp nhu mô nhẹ và mềm. Bó dẫn bao gồm cương mô, mạch libe và mạch gỗ sắp xếp theo kiểu chồng chất, kín có tác dụng vận chuyển nước và sản phẩm quang hợp. Trong thân cây có các bó dẫn làm nhiệm vụ dẫn truyền nước, chất dinh dưỡng và các sản phẩm của quang hợp phân bố tới các bộ phận khác nhau của cây. Số lượng bó dẫn càng nhiều, kích thước bó dẫn càng lớn thì khả năng sinh trưởng phát triển của cây càng tốt.
Các chỉ tiêu đặc trưng cho cấu tạo giải phẫu thân của 4 giống lan Đai Châu được nêu lên ở bảng 6 . Kết quả cho thấy: Kích thước nhu mô của các giống dao động trong khoảng từ 745,0µm đến 997,5µm; trong đó giống lan đai châu Đốm Đỏ có kích thước nhu mô lớn nhất và giống Trắng là nhỏ nhất. Tổng số lượng bó dẫn lớn nhất ở giống Trắng Đốm Tím (525,6 bó) và nhỏ nhất ở giống Đỏ (404,4 bó). Số lượng bó dẫn to (quy ước là có kích thước rộng ≥7 vạch ở vật kính ×4) lớn nhất vẫn ở giống Trắng Đốm Tím (239,6 bó) nhưng nhỏ nhất ở giống Đốm Đỏ (137,20 bó). Độ rộng của bó dao động trong khoảng từ 227,50µm đến 255,0µm trong đó, lớn nhất là giống Trắng Đốm Tím và nhỏ nhất là giống Trắng. Kích thước cương mô lớn nhất ở giống Trắng Đốm Tím (146,25µm) và nhỏ nhất ở giống Đốm Đỏ (113,75µm).

Bảng 6. Cấu tạo giải phẫu thân của các giống
(Năm 2011, tại Gia Lâm – Hà Nội)
Capture6 1
     Số lượng bó dẫn nhỏ (quy ước là có kích thước rộng <7 vạch ở vật kính ×4) nhiều nhất ở giống Trắng (303,60 bó) và nhỏ nhất ở giống Đỏ (249,20 bó).  Độ rộng của bó dao động trong khoảng từ 145,75µm đến 153,25µm trong đó lớn nhất là giống lan đai châu Trắng Đốm Tím và nhỏ nhất là giống Trắng; kích thước cương mô lớn nhất cũng ở giống Trắng Đốm Tím (86,25µm) và nhỏ nhất ở giống Đốm Đỏ (67,00µm).
     Như vậy, giống đai châu Trắng Đốm Tím có đường kính thân lớn nhất (1,38cm), tổng số lượng bó dẫn (525,6 bó), số bó dẫn to (239,6 bó) và kích thước bó dẫn (bó to: 255,00µm; bó nhỏ: 153,25µm) cũng đạt giá trị cao nhất nên khả năng dẫn nước và muối khoáng sẽ tốt hơn 3 giống còn lại. Đồng thời giống này cũng có kích thước cương mô lớn nhất (bó to: 146,25µm; bó nhỏ: 86,25µm) nên có khả năng chống đỡ cơ học cao nhất trong 4 giống nghiên cứu.

3 .Đặc điểm hình thái, giải phẫu lá lan đai châu:

– Đặc điểm hình thái lá
Kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái lá được trình bày ở bảng 7
và hình 8.
Bảng 7. Đặc điểm hình thái lá của các giống nghiên cứu
(Năm 2011 , tại Gia Lâm – Hà Nội)

Capture7
      Lá của các giống lan Đai Châu có một số đặc điểm chung như lá hình lòng máng, chóp lá thường phân thành 2 thùy lệch có gai nhọn hoặc tròn, gân lá song song và nằm sâu trong thịt lá trừ gân chính, thế lá mọc đứng.
Về màu sắc: Màu sắc lá của các giống có biểu hiện theo màu sắc của hoa nhưng không được thể hiện rõ. Giống hoa màu đỏ, lá có màu xanh đậm có tía đỏ, giống hoa màu đốm đỏ lá màu xanh đậm có chấm đỏ ở gốc cuống lá, giống hoa màu trắng, lá màu xanh nhạt còn giống hoa trắng đốm tím có lá màu xanh.
Số liệu ở bảng 7 cho thấy: Số lá của các giống nghiên cứu nhìn chung không có sự khác biệt và đạt khoảng 6 lá. Tuy nhiên, kích thước lá lại nthay đổi tùy giống: Độ dài của lá dao động trong khoảng từ 22,57cm đến 25,09cm trong đó dài nhất là giống đai châu Trắng Đốm Tím và ngắn nhất là giống Đốm Đỏ.
Độ rộng của lá dao động từ 4,10cm đến 4,25cm, giống Trắng Đốm Tím vẫn có độ rộng lá lớn nhất và nhỏ nhất là giống Trắng.
– Đặc điểm giải phẫu lá
Trên hình 7 chúng ta có thể nhận thấy, cấu tạo và số lượng khí khổng trên lá khi bóc biểu bì của lá sau đó quan sát dưới kính hiển vi. Các khí khổng do các tế bào biểu bì biến đổi thành, làm nhiệm vụ trao đổi khí với môi trường. Khí khổng gồm: tế bào khí khổng, khe lỗ khí khổng ở giữa, bên ngoài tế bào khí khổng có 2 tế bào kèm song song với tế bào khí khổng.
 
Capture8
 Hình 7. Khí khổng mặt dưới lá của giống Trắng Đốm Tím
(Độ phóng đại 400 lần)

Số lượng khí khổng phía trên mặt lá ít hơn phía dưới mặt lá và mật độ khí khổng trên lá lan Đai Châu thấp hơn so với các loài khác của cây 1 lá mầm, chứng tỏ lan Đai Châu có khả năng chịu hạn cao.
Ở giữa lớp biểu bì trên và dưới là các tế bào thịt lá (mô đồng hóa) và các bó mạch. Thịt lá gồm các tế bào nhu mô chứa lục lạp làm nhiệm vụ quang hợp. Bó mạch gân chính và bó mạch phiến lá chạy song song làm nhiệm vụ dẫn truyền nước và các sản phẩm quang hợp.
Số lượng khí khổng và kích thước của chúng là những chỉ tiêu quan trọng đặc trưng cho từng giống. Kết quả về vấn đề này được nêu ra ở bảng 9 và 10.
Bảng 9. Số lượng và kích thước khí khổng ở mặt trên lá của các giống lan Đai Châu
(Năm 2011 , tại Gia Lâm – Hà Nội)
 
Capture9 1
 
      Kết quả bảng 9 cho thấy, số lượng khí khổng ở mặt trên của giống đai châu Trắng Đốm Tím là lớn nhất (12,30 khí khổng/mm2) và nhỏ nhất là giống Trắng (10,17 khí khổng/mm2). Kích thước: Độ dài khí khổng ở mặt trên của lá dao động từ 58,58µm đến 61,93µm; trong đó dài nhất là giống Trắng Đốm Tím và ngắn nhất là giống Đỏ. Độ rộng của khí khổng cũng có sự thay đổi giữa các giống. Rộng nhất là giống Trắng (26,63µm) và nhỏ nhất ở giống Đỏ (20,25µm).
Kích thước khe lỗ khí khổng phụ thuộc vào kích thước của khí khổng, sự  khác nhau của kích thước khe lỗ khí khổng giữa các giống là không đáng kể.
Kết quả bảng 10 chỉ ra rằng: Số lượng khí khổng ở mặt dưới của giống đai châu Trắng Đốm Tím là lớn nhất (17,10 kk/mm
2) và nhỏ nhất là giống Đốm Đỏ (13,47 kk/mm2). Kích thước khí khổng của giống Trắng Đốm Tím là lớn nhất và nhỏ nhất là giống Đỏ.


Bảng 10. Số lượng và kích thước khí khổng ở mặt dưới lá của các giống lan Đai Châu
(Năm 2011, tại Gia Lâm – Hà Nội)
 
Capture10 2
 
      Kích thước khe lỗ khí khổng dài nhất là (26,18µm) ở giống lan đai châu Trắng Đốm Tím và ngắn nhất là (23,63µm) ở giống Trắng; rộng nhất ở giống Trắng Đốm Tím (12,68µm) và nhỏ nhất ở giống Đỏ (10,08µm).
Như vậy, số lượng khí khổng ở mặt trên lá của các giống đều ít hơn so mặt dưới lá, trong đó, giống Trắng Đốm Tím có số lượng khí khổng lớn nhất (mặt trên: 12,47 kk/mm
2; mặt dưới: 17,10 kk/mm2).
Ngoài các nghiên cứu về số lượng và kích thước khí khổng ở cả mặt trên và mặt dưới của lá lan Đai Châu, chúng tôi còn tập trung nghiên cứu về kích thước của biểu bì, mô đồng hóa và bó dẫn gân chính, kết quả được trình bày ở hình 11 và bảng 12.

Capture11 1
 
Hình 11. Cấu tạo giải phẫu lá của giống hoa Trắng Đốm Tím

 

(Độ phóng đại 400 lần)

 

 

 

Capture12 1
Bảng 12. Cấu tạo giải phẫu lá lan Đai Châu
(Năm 2011, tại Gia Lâm – Hà Nội)
     Độ dày biểu bì trên của phiến lá của các giống lan đai châu dao động từ 88,75µm đến 107,00µm trong đó giống có biểu bì trên mỏng nhất là giống Trắng Đốm Tím và dày nhất là giống Trắng. Độ dày biểu bì dưới mỏng hơn biểu bì trên, dao động từ 79,38µm đến 99,50µm trong đó giống Trắng Đốm Tím vẫn mỏng nhất và giống Trắng dày nhất. Độ dày mô đồng hóa nhỏ nhất ở giống Đỏ (2436,25µm) và lớn nhất ở giống Trắng Đốm Tím (2705,00µm).
Kích thước bó dẫn: trong các giống thí nghiệm thì giống Trắng Đốm Tím có kích thước bó dẫn gân chính (dày: 503,75µm; rộng: 275,63µm) cũng như số lượng bó dẫn to (13,3 bó), bó dẫn nhỏ (31,1 bó) trên phiến lá là nhiều nhất và kích thước bó dẫn lớn nhất (bó dẫn to: dày 351,88µm; rộng 236,88 µm và bó dẫn nhỏ: dày 193,75µm; rộng 138,75µm) so với 3 mẫu giống còn lại.
Như vậy, giống lan đai châu Trắng Đốm Tím có kích thước lá dài nhất (25,09cm), rộng nhất (4,25cm), độ dày mô đồng hóa lớn nhất (2705,0µm), do vậy khả năng tổng hợp và dự trữ chất hữu cơ của lá ở giống này sẽ tốt hơn 3 giống còn lại. Giống này cũng có kích thước bó dẫn gân chính và số lượng bó dẫn trên phiến lá là nhiều nhất và kích thước bó dẫn lớn nhất so với 3 mẫu giống còn lại. Vì vậy, khả năng vận chuyển các chất trong lá của giống này là tốt nhất.

4 .Đặc điểm hình thái, kích thước của các cơ quan sinh sản của lan đai châu:

– Đặc điểm hình thái, kích thước hoa
Đặc điểm chung về hoa của các giống lan Đai Châu là: Hoa to, lưỡng tính, mọc xung quanh trục bông (ngồng hoa), cánh đài và tràng dày, cánh môi chia 3 thùy. Sau khi tiến hành đánh giá một số chỉ tiêu về chất lượng hoa của các giống nghiên cứu, các kết quả được trình bày tại bảng 13.
Nhìn chung, các giống có 1 cành hoa/cây và số hoa/cành là khá lớn (>20 hoa/cành), giống bản địa có số hoa/cành nhiều nhất (26,8 hoa/cành).
Đường kính ngồng ở các giống không có sự khác biệt và chỉ dao động từ 0,46cm đến 0,49cm. Chiều dài ngồng biến động từ 11,98cm đến 12,74cm trong đó dài nhất là giống Trắng Đốm Tím (12,74cm) và ngắn nhất là giống Trắng (11,98cm). Đường kính hoa của các giống không có sự khác biệt và đạt kích thước
2,3-2,4cm. Chiều dài cuống hoa dao động từ 1,60cm đến 2,37cm trong đó dài nhất là giống đỏ (2,37cm) và ngắn nhất là giống Trắng Đốm Tím (1,60cm).
Chiều dài cuống hoa có ảnh hưởng tới chiều dài của quả vì bầu hoa không có ranh giới rõ rệt với cuống hoa. Vì vậy mà cuống hoa càng dài thì khả năng tạo quả càng dài.

Bảng 13. Đặc điểm ngồng hoa và hoa của các giống lan Đai Châu

 

(Năm 2011, tại Gia Lâm – Hà Nội)


Capture13 1
     Giống Trắng Đốm Tím có độ bền hoa cao nhất (23,1 ngày) và giống Trắng có độ bền hoa thấp nhất (20,6 ngày).
Màu sắc hoa chính là một trong những đặc điểm giúp nhận dạng các giống dễ dàng nhất. Cánh đài và cánh bên của các giống khác nhau thì khác nhau, tạo nên màu sắc đặc trưng cho từng giống. Màu sắc cánh môi có sự thay đổi cũng tương ứng với màu sắc cánh hoa: giống hoa màu đỏ cánh môi có màu tím đậm, giống hoa màu đốm đỏ cánh môi có màu đỏ, giống hoa màu trắng cánh môi có màu trắng và giống hoa màu trắng đốm tím cánh môi có màu trắng, đầu cánh có màu tím nhạt. Hầu hết hoa của các giống lan Đai Châu đều có hương thơm nhưng các giống nhập nội có hương thơm nhẹ còn giống bản địa có hương thơm ngát (giống Trắng Đốm Tím). Trong 4 giống thì giống hoa Trắng Đốm Tím có chất lượng hoa tốt nhất (thể hiện: 1,4 cành hoa/cây; 26 hoa/cành; độ bền hoa đạt 23 ngày).
Ngoài các chỉ tiêu về ngồng hoa, độ bền và hương thơm của hoa chúng tôi còn đánh giá kích thước và màu sắc của các cánh môi, cánh đài, cánh tràng hoa. Kết quả thể hiện ở bảng 14.

 

Bảng 14. Kích thước và màu sắc cánh môi, cánh đài, cánh tràng

 

của các giống lan Đai Châu

 

(Năm 2011, tại Gia Lâm – Hà Nội)

 

 
Capture14 2

     Qua bảng 14 cho thấy: Kích thước cánh môi dài nhất và rộng nhất là giống lan đai châu Đốm Đỏ (dài 21,12mm và rộng 11,02mm), nhưng ngắn nhất là giống Đỏ (20,30mm) và nhỏ nhất là giống Trắng Đốm Tím (9,27mm).
Giống Trắng Đốm Tím không chỉ có kích thước cánh môi nhỏ nhất mà kích thước cánh đài (14,40mmx9,37mm) và cánh tràng (14,53mm x5,87mm) cũng nhỏ nhất. Kích thước cánh đài dài nhất ở giống Đỏ (15,52mm); ngắn nhất (13,62mm) và rộng nhất (10,55mm) là giống lan Đai Châu Trắng.
Kích thước cánh tràng dài nhất là giống Đốm Đỏ (14,63mm) và ngắn nhất là giống Trắng (13,43mm); rộng nhất ở giống Đỏ, đạt 6,98mm.
Như vậy, mặc dù đường kính hoa giữa các giống không có sự khác biệt nhưng kích thước cánh môi, cánh tràng, cánh đài lại có sự sai khác giữa các giống.
– Đặc điểm hình thái, kích thước quả
Màu sắc quả của các giống cũng thay đổi theo màu sắc hoa như màu sắc rễ, thân, lá của chúng. Trong đó, quả giống lan Đai Châu Đỏ có màu xanh tía đỏ, tía đỏ đặc biệt nhiều ở gốc cuống quả; quả của giống Đốm Đỏ cũng có màu xanh tía đỏ ở gốc cuống quả và dọc gân quả; quả của 2 giống Trắng và Trắng Đốm Tím đều có màu xanh.
Bảng 15. Đặc điểm quả và thời gian chín sinh lý của quả
(Năm 2012, tại Gia Lâm – Hà Nội)

 
Capture15 2
     Độ dài của quả dao động từ 2,43cm đến 3,42cm trong đó dài nhất là quả của giống Đỏ và ngắn nhất là giống Đốm Đỏ. Độ rộng của quả cũng có sự dao động từ 1,19cm đến 1,30cm ở các giống.
Như vậy, qua kết quả nghiên cứu về hình thái và giải phẫu của các giống hoa lan Đai Châu cho thấy; giống Đai Châu Trắng Đốm Tím có các đặc điểm thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh hại như rễ to, vỏ rễ dày (1463,75± 69,5µm), kích thước trụ rễ to (1232,50 ± 56,2µm), số bó dẫn rễ nhiều (27,05±2,2µm), số bó dẫn thân lớn (525,60 ±22,48µm), lá dày (dày mô đồng hóa 2705,00±219,50µm), kích thƣớc bó dẫn thân chính: dày (503,75 ±10,75µm), rộng (275,63±25,00µm).
Điều đó chứng tỏ giống có tiềm năng về sinh trƣởng, phát triển và khả năng chống chịu. Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với kết quả đánh giá về sinh trưởng, phát triển của các giống lan Đai Châu ở phần trên. Từ đó, chúng tôi lựa chọn giống lan Đai Châu Trắng Đốm Tím để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo.
 
 
Trích luận án tiến sĩ Nông nghiệp – Đinh Thị Dinh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

avav