fbpx

Đặc điểm sinh thái, hình thái lan đai châu

Kỹ Thuật Chăm Sóc Lan Đai Châu

I, Giới thiệu chung về lan Đai châu – Ngọc điểm

Chăm sóc lan đai châu – kỹ thuật trồng và chăm sóc

Tên cây: Lan Đai Châu hay còn gọi là Ngọc điểm.

Tên khoa học: Rhynchostylis gigantea (Lindley) Ridley.

Ở nhiều vùng miền, hoa lan Đai Châu còn có nhiều tên gọi khác: miền Trung gọi là Nghinh Xuân (vì nở vào mùa xuân); miền Nam gọi là Ngọc Điểm; còn miền Bắc gọi là lan Đai châu (Chuỗi những hạt châu).

Lan Đai châu, là một trong những loài lan bản địa, quý của Việt Nam. Nở hoa vào dịp Tết Nguyên Đán, có hương thơm và độ bền lâu, nên cây có giá trị kinh tế cao.

Đặc điểm hình thái lan Đai châu

Lan Đai châu sống phụ, thân mập, có thể cao đến 1m. Mang lá đều đặn thành 2 hàng trên thân, nhiều rễ chống lớn.

Rễ lan

Lan Đai châu phát triển các dạng thân rễ nạc, to, dài và khỏe. Hệ rễ khí sinh vừa làm nhiệm vụ lấy nước, muối khoáng trên bề mặt vỏ cây gỗ, vừa bám chặt vào bề mặt giá thể để giữ cây khỏi bị đổ, hoặc gió cuốn đi. Ngoài ra rễ còn chống đỡ cho cây mọc cao, vươn ra chỗ có nắng.

Thân cây lan đai châu

Lan Đai châu thuộc loại lan đơn thân, thân kém phát triển, thân ngắn và được bao bọc kín bởi các bẹ lá.

cây

Lá lan Đai châu mọc thành 2 hàng trên thân, lá thuôn dài, hình lòng máng, bẹ lá bao bọc thân cây, chóp lá chia 2 thùy lệch, có gai nhọn. Lá màu xanh, gân lá song song. Lá dày, phẳng, hình dải rộng, dài khoảng 15 – 45cm, rộng khoảng 3- 8cm, màu xanh đậm nổi các vạch trắng dọc lá, đỉnh chia 2 thùy tròn, gốc có bẹ.

Kỹ Thuật Chăm Sóc Lan Đai Châu
Hình ảnh hoa lan đai châu

Đặc điểm hoa

Hoa lan Đai châu dạng cụm hoa bông lớn, cong xuống, dài khoảng 25 – 35cm. Cây thường ra hoa vào mùa xuân. Hiện nay có các giống lai mới du nhập về Việt Nam với hoa màu tím đỏ; màu trắng; màu đốm đỏ; màu cam, lan đai châu hồng cánh sen.

Hoa lan Đai Châu thuộc loại hoa mẫu 3, kiểu hoa đặc trưng của lớp một lá mầm. Hoa lưỡng tính. Ba cánh đài thường có dạng cánh hoa, giống nhau và giống với 2 cánh tràng. Cánh tràng giữa biến đổi màu sắc và hình dạng. Có chức năng đặc biệt trong sự hấp dẫn và thụ phấn nhờ côn trùng gọi là cánh môi. Cánh môi xếp đối diện với cánh đài lưng và ở vị trí trong cùng. Cánh môi chia 3 thùy. Gốc cánh môi mang tuyến mật, gắn vào chân của cột nhị, nhụy. Cột nhị, nhụy nằm chính giữa hoa mang hạt phấn ở phía trên và đầu nhụy ở phía dưới, mặt trước.

Đặc điểm sinh thái và điều kiện ngoại cảnh của lan Đai châu

Loài lan này phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam của Việt Nam. Trên thế giới, cây phân bố ở Myanmar, Thailand, Laos, Cambodia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc.

– Nhiệt độ:

Lan Đai Châu là lan nhiệt đới, nơi khởi nguồn của cây là ở những khu rừng nhiệt đới, nhiệt độ cao sẽ kích thích cây phát triển. Nhiệt độ thích hợp cho cây từ 26 – 32 độ C. Nhiệt độ dưới 15 độ C cây ngừng sinh trưởng, sức sống suy giảm. Trong điều kiện miền Bắc Việt Nam, vào mùa đông (tháng 11 đến tháng 3 năm sau) cần phải chống rét cho vườn lan.

– Ánh sáng:

Lan Đai Châu thuộc nhóm ưa sáng trung bình, ánh sáng tán xạ thích hợp cho cây sinh trưởng, phát triển. Ánh sáng trực tiếp dễ làm cây lan Đai châu bị cháy lá. Cường độ sáng phù hợp cho cây sinh trưởng, phát triển từ 15.000 – 20.000 lux (khoảng 60% ánh sáng tự nhiên). Nếu trồng, chăm sóc lan đai châu trong điều kiện thiếu ánh sáng, cây sẽ sinh trưởng chậm và yếu, lá có màu xanh sẫm. Bộ rễ kém phát triển, cây khó ra hoa. Tuy nhiên, sự ra hoa của lan Đai châu không phải do ánh sáng nhiều hay ít, nắng hay rợp, mà do thời gian chiếu của ánh sáng trong ngày. Vì thế cây lan Đai châu chỉ ra hoa vào dịp tết âm lịch. Tức vào thời điểm trong năm có ngày ngắn đêm dài.

– Ẩm độ:

Lan Đai châu nói chung và lan đai châu hồng cánh sen nói riêng chịu hạn khá tốt, nhưng cây thích ẩm. Nhờ có ẩm độ thích hợp, cây có thể hấp thu nước, muối khoáng qua rễ và lá cây một cách dễ dàng. Độ ẩm càng cao, rễ càng mọc nhanh và phát triển rất tốt. Độ ẩm thích hợp cho cây là từ 40 – 70%.

– Tốc độ gió:

Khu trồng phong lan Đai châu cần phải được thoáng gió, nếu vườn trồng không thông thoáng, ẩm độ cao và nhiệt độ cao sẽ làm hư hại cây và bệnh hại phát triển mạnh. Thường tốc độ gió trong vườn không quá mạnh, tránh gây ra va đập, dập nát cây, làm giá thể nhanh khô. Gió thoảng nhẹ, đủ làm cho vườn lan thông thoáng.

II, Kỹ thuật trồng, chăm sóc lan Đai châu

Giá thể trồng lan Đai châu

Giá thể trồng lan Đai châu rất đơn giản, chỉ cần cột chặt cây giống vào một cây tựa trồng trong chậu với vài cục than to là đủ. Hoặc có thể ghép vào thân gỗ còn sống hoặc đã chết đều được.

Giá thể khô thoáng, nhanh ướt, nhanh khô là điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển.

Nhu cầu phân bón

Lan Đai châu nói chung và lan đai  châu hồng cánh sen nói riêng là một trong những loài có nhu cầu về phân bón cao. Chúng dễ dàng sử dụng bất cứ một dạng phân bón nào. Hữu hiệu nhất là phân hóa học có công thức 30-10-10. Tưới 2 ngày/lần với nồng độ 1 muỗng cà phê/4 lít nước. Sở dĩ sử dụng phân với chu kỳ như vậy, vì lan Đai châu không có giả hành nên không dự trữ được dinh dưỡng, ngoài ra giá thể trồng thông thoáng. Do đó sự lưu lại của dưỡng liệu trong giá thể là không đáng kể trong thời gian ngắn. Tốt nhất là dùng phân bóng dạng phun sương, vì loài này là loài phụ sinh nên có rất nhiều rễ trên không.

Lan Đai châu có mùa nghỉ 3 tháng, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4. Trong suốt 3 tháng nghỉ, ta chỉ tưới nước 1 lần/ngày và hoàn toàn không cung cấp dưỡng liệu cho cây. Vào đầu tháng 12 khi cây chớm nụ hoa, ta thay phân 30-10-10 bằng phân 10-20-20 và một tuần lễ trước khi hoa nở cho đến khi tàn, ta lại thay phân lần nữa từ phân 10-20-20 bằng phân 10-20-30, để tạo cho cây có sức chống đỡ trong mùa nghỉ.

Thay chậu lan Đai châu

Việc thay chậu cho Đai châu nên tiến hành vào đầu mùa mưa, vì lan Đai châu có mùa nghỉ. Nếu thay chậu trái mùa, cây vẫn sống nhưng bị ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Sâu bệnh hại cây

Lan Đai châu là loài lan bản xứ, vì thế khả năng chống chịu của nó rất cao. Nó có khẳ năng chống chịu hầu hết các loài sâu bệnh.

Tưới nước cho lan Đai châu

Ẩm độ không khí và chế độ tưới nước cho lan Đai Châu hồng cánh sen, là yêu cầu quan trọng. Cây sẽ sinh trưởng mạnh trong điều kiện đủ nước. Đặc biệt thích hợp với những trận mưa rào bất chợt ở các khu rừng nhiệt đới. Do đó, khi tưới nước cho cây không chỉ làm ướt cây phong lan. Mà cần chú ý làm cho cả khu vườn có độ ẩm cao. Cần tưới 2 lần/ngày vào mùa mưa từ đầu tháng 5 tới đầu tháng 11; 3 lần/ngày vào mùa khô từ tháng 11 đến cuối tháng 1; từ tháng 2 tới tháng 4 ta chỉ tưới 1 lần/ngày cho cây đủ sống là được.

Do đây là mùa nghỉ của cây. Mùa nghỉ thực tế của lan Đai châu nên bắt đầu sau khi hoa tàn cho đến khi rễ mới xuất hiện, lúc mùa mưa bắt đầu.

Tuy nhiên, nếu độ ẩm liên tục cao và duy trì lâu dài thì lại gây hại cho cây. Bởi lan Đai Châu hồng cánh sen có khả năng dự trữ nước và dinh dưỡng tốt ở trong lá, trong thân và trong rễ. Cây có khả năng chịu hạn tốt hơn chịu úng. Rễ lan Đai Châu yêu cầu lúc khô, lúc ướt, thoáng khí để quang hợp và trao đổi khí.

III. Ý nghĩa của lan Đai châu hồng cánh sen

Đây là loại Lan có mùi thơm thoang thoảng. Vì thế rất có ý nghĩa, nếu trong giờ giao thừa bên bàn thờ có vài chậu Lan Ngọc điểm tỏa hương tưởng nhớ người quá cố.

Cách sử dụng rất phong phú. Có thể đặt trên chậu; trưng bày trong phòng khách; treo trên ban công; cửa sổ; ghép trên thân cây đã chết; cây đang sinh trưởng; hoặc ghép lan trên non bộ tạo thành cảnh vật rất đẹp và mang dáng dấp tự nhiên.

tag: chăm sóc lan đai châu

? Các bạn đặt hàng trực tuyến hoặc liên hệ: Hotline, zalo: 0963.090.463; 0944.252.463

Theo dõi chúng tôi trên fanpage facebook, trang cá nhân

Xem sản phẩm trên kênh Youtube

avav