fbpx

Quy trình kỹ thuật tạo chúa cho đàn ong

        Quy trình kỹ thuật tạo chúa cho đàn ong áp dụng cho vùng Tây Nguyên. Bài viết giới thiệu chi tiết gồm:

   1. Thời vụ tốt nhất để tạo chúa chia đàn cho ong.

   2. Địa điểm để tạo chúa chia đàn.

   3. Công tác chuẩn bị các nhóm đàn ong để tạo chúa.

   4. Kỹ thuật di trùng.

1. Thời vụ tạo chúa chia đàn cho đàn ong.

      Thời vụ tốt nhất là vào lúc thời tiết ấm áp: Nhiệt độ̣ từ 24 – 30 , ẩm độ từ 70 – 80%. Nguồn hoa phong phú đa dạng, có cây nguồn phấn và cây nguồn mật.

Ky Thuat Nuoi Ong Tao Chua Cho Dan Ong


      Ở Tây Nguyên nói chung và ở Đăk nông nói riêng
thời vụ tạo chúa, chia đàn 
phù hợp nhất là vào các giai đoạn sau: 

  • Giai đoạn từ cuối tháng 6 – đầu tháng 7: khi vụ phấn bắp bắt đầu có, cần tiến hành tạo chúa mới để thay thế cho những ong chúa kém còn sót lại sau mùa thu hoạch mật, hoặc để tăng quy mô số lượng đàn ong trong trại theo kế hoạch sản xuất.
  • Giai đoạn từ 15/9 – 15/11: khi nguồn hoa của các loại đậu, đỗ và nhất là giai đoạn cây trinh nữ nở hoa, cần phải chớp thời cơ để tạo chúa, tổ chức chia đại trà nhằm tạo ra nhiều đàn ong mới cho vụ thu hoạch sản phẩm cuối năm và đầu năm sau.
  • Giai đoạn từ trong tháng 2-3: Tạo chúa để thay chúa cũ trước đó chưa kịp thay, đồng thời kết hợp để thu mật và áp dụng biện pháp phòng, trị ký sinh trùng.

2. Chọn địa điểm để tạo chúa và chia đàn.

      Chọn những nơi có nhiều thức ăn, trong đó tiêu chí phấn hoa tự nhiên được ưu tiên khi chọn điểm để tạo chúa chia đàn.
      Địa điểm lựa chọn phải bảo đảm thuận lợi cho ong chúa và ong đực giao phối, xung quanh không có thiên địch và ít ao hồ.
      Tránh những nơi có các kho chứa hóa chất, hoặc các loại thuốc nông học gây hại cho đàn ong.

3. Chuẩn bị các nhóm đàn ong để tạo chúa.

‐ Nhóm đàn bố.
‐ Nhóm đàn mẹ.
‐ Nhóm đàn nuôi dưỡng
‐ Nhóm đàn ấp mũ chúa.

A. Tổ chức và sử dụng đàn mẹ

      Đàn mẹ phải là những đàn ở thế cơ bản, có lý lịch rõ ràng, cho năng suất cao, có khả năng đề kháng tốt với bệnh thối ấu trùng và phải khác huyết thống với đàn bố, vì đây là những đàn dùng để lấy ấu trùng tạo ra những chúa tơ trong tương lai.
Các bước tiến hành.

      Trước hết phải điều chỉnh đàn ong sao cho chúng có đầy đủ 6 yếu tố cân đối và ổn định, thế đàn phải đạt từ 8 cầu quân trở lên.
      Tiếp đến là rút bớt cầu nhộng đang nở ra khỏi đàn, đồng thời cho đàn ong ăn theo khẩu phần sản xuất đảm bảo đầy đủ cả về chất lượng và số lượng thức ăn.
      Yêu cầu về thức ăn dự trữ phải đạt: cầu chứa lương ong chiếm 2/3 cầu, mật được dự trữ trong các bánh tổ khoảng 0,8kg/bánh tổ.
      Đưa cầu mới (đã được chia thành các hình vuông có cạnh là 5 cm) vào cho ong chúa đẻ trứng, đánh dấu những chỗ ong chúa đã đẻ trứng vào các hình vuông đã được phân trước đó, khi ấu trùng nở ra sẽ dễ dàng xác định được tuổi của chúng một cách chính xác.
      Khi chọn lọc ấu trùng để di trùng tạo chúa, phải tuân thủ theo nguyên tắc: chỉ chọn những ấu trùng nhỏ hơn 24 giờ tuổi, và chỉ chọn lấy ấu trùng cùng giờ tuổi nhưng to, khỏe mạnh và được ong thợ mớm nhiều thức ăn nhất để di trùng tạo chúa.
      Đối với những công nhân có nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao, có thể áp dụng lựa chọn các ấu trùng mới nở ra khoảng 12 giờ tuổi để di trùng tạo chúa.
      Chọn tuổi ấu trùng mới nở có trọng lượng lớn đẻ di trùng có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sức đẻ trứng của ong chúa. Bởi vì, trọng lượng của chúa tơ khi nở ra phụ thuộc vào trọng lượng của ấu trùng khi mới nở ra và chế độ nuôi dưỡng chúng trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển.

B. Tổ chức đàn bố (đàn lấy ong đực)

      Đàn ong đực cũng phải đủ các tiêu chuẩn như đàn mẹ.
Các bước tiến hành: 

      Tạo ong đực trước khi tạo ong chúa khoảng 20 – 25 ngày.
      Để kích thích ong chúa đẻ trứng ong đực (trứng không thụ tinh) và ong thợ nuôi dưỡng dưỡng tốt các ấu trùng ong đực, cần phải tạo ra những đàn ong có nhiều ong thợ non bằng cách đổi 1- 2 cầu ấu trùng có trong đàn qua các đàn khác, đồng thời bổ sung thêm 1-2 cầu nhộng đang có ong non nở ở đàn khác vào, mục đích là làm cho mật độ phân bố ong trong các cầu tăng nhanh (đạt ít nhất 2500 ong thợ trên mỗi cầu).

      Cũng bằng cách rút bớt 1-2 cầu ong non nở ra sẽ làm cho sự cân bằng giữa số lượng ong thợ đến tuổi nuôi ấu trùng và số ấu trùng có trong đàn chuyển sang các đàn khác, bổ sung thêm 1-2 cầu nhộng đang có số lượng ấu trùng cần được nuôi dưỡng bị phá vỡ, trong đó khả năng ong thợ nuôi ấu trùng thì nhiều, nhưng số lượng ấu trùng để cho ong thợ nuôi lại ít, lúc này đàn ong sẽ phải điều tiết để tạo ra sự cân bằng. Ong thợ sẽ  kích thích ong chúa đẻ nhiều trứng không thụ tinh, khi các ấu trùng ong đực nở ra thì số ong thợ dư sẽ tập trung vào nuôi dưỡng các ấu trùng ong đực.
      Cách tạo ra các lỗ tổ ong đực mới để cho ong chúa đẻ trứng không thụ tinh: sau khi đã điều chỉnh mật độ ong trong các đàn tạo ong đực, thì tiến hành chọn 1 – 2 cầu ong, cắt bỏ một phần góc dưới của cầu ong, đồng thời cho đàn ong ăn theo khẩu phần sản xuất. Do mật độ ong trong đàn tăng lên, số lượng ấu trùng không đủ để đáp ứng nhu cầu nuôi ấu trùng của ong thợ trẻ sẽ tạo ra những kích thích và các ong thợ có tuyến sắp phát triển sẽ tiến hành sửa lại, hoặc xây mới các lỗ tổ ong đực ở những vị trí đã bị cắt bỏ trước đó.
      Sau khi ong đực nở ra 10 ngày, thì thành thục về tính và có khả năng sinh sản nhiều tinh trùng khỏe mạnh thì tổ chức cho chúng đi giao phối với chúa tơ.
      Lưu ý: Tiến hành diệt toàn bộ ong đực ở những khung không được chọn lọc để tạo ra ong đực ở tất cả các đàn có trong vùng tổ chức giao phối cho chúa tơ.

C. Tổ chức đàn nuôi dưỡng (đàn tiết sữa nuôi ấu trùng ong chúa)

      Chọn những đàn ong ở thế cơ bản trở lên, trong đàn có nhiều ong thợ đang ở giai đoạn có tuyến hạ hầu phát triển mạnh và có khả năng tiết sữa tốt nhất.
      Hoặc chủ động tạo ra những đàn ong nuôi dưỡng bằng cách bổ sung các cầu nhộng già từ những đàn khác, hoặc rút bớt các cầu trứng, cầu ấu trùng nhỏ, nhằm tạo ra phản ứng chia đàn trong đàn ong.
      Cung cấp thức ăn đầy đủ và có dự trữ cho đàn nuôi dưỡng (gồm cả phấn hoa và mật hoa).
      Tiến hành cách ly ong chuá, 24 giờ sau khi tách chúa thì đưa các cầu tạo chúa khi đã di trùng vào các mũ chúa cho đàn nuôi dưỡng nuôi các ấu trùng ong chúa.
      Trong thời gian nuôi dưỡng ong chúa, cần hạn chế tối đa sự kiểm tra các khung tạo chúa, nếu phải kiểm tra các khung cầu này thì thao tác rút các khung tạo chúa phải nhẹ nhàng, tránh làm tụt hoặc làm sai lệch vị trí của các ấu trùng có trong các mũ chúa.
      Sau khi cho các đàn nuôi dưỡng nuôi trong 10 ngày (kể từ khi đưa khung cầu tạo chúa vào đàn nuôi dưỡng) thì tiến hành lấy mũ chúa. Khi lấy các mũ chúa ra khỏi đàn cần tránh rũ ong mà dung chổi lông để quét ong thợ, sau đó dùng dao cắt mũ chúa để tách từng mũ chúa ra khỏi khung tạo chúa.
      Đưa các mũ chúa đã được chọn lọc và đạt yêu cầu vào lồng ấp mũ chúa và chuyển sang đàn áp mũ để chờ cho ong chúa tơ nở ra, hoặc từ đó giới thiệu trực tiếp vào các đàn giao phối.
      Lưu ý: Trong một lần làm chúa, chỉ nên để cho đàn nuôi dưỡng nuôi tối đa 3 khung tạo chúa, mỗi khung khoảng 20 -25 mũ chúa và không nên làm quá 3 lần tạo chúa liên tục cho một đàn.

D. Đàn ấp mũ chúa:

      Đàn ấp mũ chúa có chức năng ổn định nhiệt độ cho ong chúa non tiếp tục phát triển, trước khi đưa chúng sang các đàn giao phối.
      Các mũ chúa sau khi cắt khỏi khung thì đưa chúng vào các ngăn riêng của lồng ấp để chờ chúng nở ra, lựa chọn ong chúa tốt để giới thiệu qua đàn giao phối.

4. Kỹ thuật di trùng

      Có nhiều cách di trùng để tạo chúa tơ, do vậy tùy theo điều kiện cụ thể mà người nuôi ong lựa chọn phương pháp nào cho thích hợp.

A. Di trùng khô:

      Chọn ấu trùng nhỏ hơn 24 giờ tuổi, dùng kim di trùng luồn nhẹ từ phía dưới ấu trùng để chuyển ấu trùng cùng một ít thức ăn của chúng đặt nhẹ nhàng vào đáy mũ chúa, cứ làm tuần tự như vậy cho đến hết các mũ chúa có trong khung. Chú ý luôn bảo đảm nhiệt độ và ẩm độ thích hợp cho ấu trùng.
      Có thể áp dụng phương pháp di đơn hoặc di kép.

B. Di trùng ướt:

      Pha đều sữa chúa với nước cất, chấm một giọt nhỏ sữa vào đáy mũ chúa rồi mới tiến hành di các ấu trùng (tuổi ấu trùng không quá 24 giờ).
      Di ấu trùng được 24 giờ thì tiến hành gắp bỏ hết các ấu trùng trong mũ chuá ra và di lại ấu trùng lần thứ hai.
      Sau khi di ấu trùng xong đưa ngay vào đàn nuôi dưỡng.
      Đến ngày thứ 10 cắt mũ chuá đưa vào đàn ấp chúa.

C. Chuyển trùng

      Cho ong chúa để trứng vào các lỗ tổ nhân tạo có thể tháo rời được ở phần đáy.
      Lựa chọn những ấu trùng 24 giờ tuổi có kích thước lớn nhất để tạo chúa.
      Tháo nhẹ phần đáy có ấu trùng chọn làm chúa, đưa sang thay thế cho phần đáy của mũ chúa nhân tạo (mũ chúa cũng có đáy tháo rời được), rồi chuyển các mũ này qua các đàn nuôi dưỡng, tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo như phần tạo chúa ở trên.
      Chọn mũ chúa: khi mũ chúa, cần loại bỏ những mũ chúa cong, vẹo, nhỏ hoặc ngắn, chỉ chọn lấy các mũ chúa thẳng, to và chiều dài khoảng 20 mm.

Khách hàng có nhu cầu mua mật ong và phấn hoa xin liên hệ theo đường link.

Trích quy trình tạo chúa chia đàn Tỉnh DakNong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

avav